Anh Trịnh Văn Ba ở khối 11, thị trấn
Ea K’Nốp, huyện Ea Kar, sau thời gian khá dài vất vả tìm tòi đủ mọi cách
để ngăn chặn bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu. Có thể tự đánh
giá mình đã có thành công nhất định, anh ghi lại những việc đã làm.
Nhận thấy đây là kinh nghiệm quý báu,
nhất là với những bà con nông dân mới chuyển sang canh tác cây hồ tiêu
không dễ gì có được, giatieu.com chia sẻ kinh nghiệm này với cộng đồng.
Thân chào các bạn. Chào cộng đồng giatieu.com !
Người nào trồng tiêu cũng có nhiều nỗi lo, nhưng mối quan tâm lớn
nhất là phòng và trị bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu.
Tôi, với gần 20 năm trồng tiêu và cũng đã trãi qua đại nạn như
các bạn bây giờ, chia sẻ chút ít kinh nghiệm mình tích lũy được về
phòng bệnh chết nhanh chết chậm cho cây hồ tiêu ở vườn nhà để
cộng đồng tham khảo. Căn bản có mấy điểm chính sau đây:
1. Vườn tiêu có hệ thống thoát nước nhanh
Theo tôi, việc thoát nước nhanh quyết định tới 90 % thành công của việc trồng và chăm sóc tiêu.
– Mỗi hàng tiêu là 1 luống, mỗi luống cần có 1 rãnh thoát nước.
– Bồn tiêu phải làm nổi, nội trong tháng 8 âm lịch phải vun, lấp
lại cao hơn mặt luống. Biện pháp thoát nước nhanh cho vườn tiêu
là điều cốt yếu, để đảm bảo an toàn cho tiêu trong thời gian mưa
dầm, các vấn đề khác chỉ là thứ yếu. Tuyệt đối không để gốc tiêm âm
trong mùa mưa.
2. Sử dụng nấm Tricho…
– Mỗi năm bổ sung 3 lần, lần thứ nhất vào đầu mùa mưa, lần thứ 2
vào trung tuần tháng 8 âm lịch, lần thứ 3 vào cuối mùa mưa.
– Tạo môi trường cho Tricho.. định cư lâu dài, bằng cách không
cắt cao tán tiêu mà để chùm kín gốc trụ (nơi trú ngụ của
tricho..) không quét dọn hoặc đốt lá tiêu rụng mà vun vào gốc
hoặc trên mặt luống (làm thức ăn cho tricho..) không dùng các loại
thuốc trị nấm bệnh (nếu dùng tricho.. sẽ bị tiêu diệt), giữ
đều độ ẩm trong vườn cho tricho.. sống và phát triển.
3. Sử dụng các loại thuốc sâu rầy
– Sau khi thu hoạch xong, dùng Agri-fos 400 (tăng khả năng kháng
nấm bệnh) và Amitage (lưu dẫn tiếp xúc) để trừ tuyến trùng và
các loại rầy rệp, sâu bọ khác, pha riêng xịt chung.
–Khi làm rãnh xung quanh tán lá để bón các loại phân, cũng
dùng loại 2 loại trên xịt kĩ gốc rãnh và cành lá trên trụ,
phơi rãnh ít nhất từ 10 – 20 ngày mới được bón phân và lấp
rãnh.
–Cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch cũng dùng 2 loại thước này
xịt 1 lần nữa. Từ trung tuần tháng 9 và tháng 10 âm lịch thời
điểm mưa dầm, mưa nhiều nhất, phải thường xuyên kiểm tra, khi
phát hiện có mùi thối của rễ cây thì phải sử dụng ngay 2
loại thuốc trên + thuốc giâm chiết cành tưới gốc đồng thời xịt
lên lá, cành 7 ngày/1 lần, làm 2 đến 3 lần.
4. Bón phân
–Không bón lượng phân hóa học nhiều trong 1 lần.
–Không bón khi rãnh quanh tán lá mới cuốc xong.
- không bón phân ở thời gian mưa dầm trong năm.
–Không bón bất cứ loại phân nào khi tiêu đang có hiện tượng nhiễm bệnh.
–Trung tuần tháng 8 âm lịch bón tăng tỷ lệ P và K.
–Không dùng dao, kéo, cuốc và dụng cụ kim loại trong vườn vào thời
gian có mưa dầm, ngoại trừ trường hợp vét rãnh thoát nước.
Thưa các bạn, thưa cộng đồng !
Tôi cũng đã trải qua đại nạn như mọi người, nhưng với cách làm trên
vườn tiêu nhà tôi 8 năm nay không còn trụ nào phải ra đi nữa. Tôi tự
khẳng định rằng tôi đã thành công trong việc phòng và chống bệnh chết
nhanh chết chậm cho hồ tiêu, ít tốn kém mà hiệu quả.
Đôi lời thành thật xin chia sẻ với các bạn và cộng đồng !
Chào thân ái !
Trịnh Văn Ba, khối 11, TT Ea K’Nốp, Ea Kar
Liên hệ mua Nano Bạc: 0984 482 878 - 093 886 2968